ĐỤC THỦY TINH THỂ: NGUYÊN NHÂN & CHUẨN ĐOÁN BỆNH

ĐỤC THỦY TINH THỂ: NGUYÊN NHÂN & CHUẨN ĐOÁN BỆNH

Bệnh đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu trên thế giới, bệnh xuất hiện nhiều nhất ở người bệnh trung niên và cao tuổi.

 

 

BỆNH ĐỤC THỦY TINH THỂ LÀ GÌ?

Thủy tinh thể còn gọi là nhân mắt, là một thấu kính hai mặt lồi, có độ đàn hồi, đặc quánh và trong suốt. Thủy tinh thể nằm phía sau đồng tử, có vai trò như một thấu kính làm ánh sáng hội tụ trên võng mạc sau khi đi qua đồng tử. Theo lứa tuổi, độ đông đặc của thủy tinh thể càng tăng lên, độ đàn hồi và trong suốt giảm đi, xuất hiện màu vàng đục, hay còn gọi là bệnh đục thủy tinh thể.

Bệnh đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu trên thế giới, bệnh xuất hiện nhiều nhất ở người bệnh trung niên và cao tuổi. Bệnh nhân đục thủy tinh thể sẽ phải đối mặt với vấn đề suy giảm thị lực và chất lượng cuộc sống với nhiều hoạt động thể chất lẫn tinh thần như đọc sách, sử dụng máy tính, lái xe, chơi thể thao v.v. bị ảnh hưởng.

 

 Theo thống kê tại Việt Nam, đục thể thủy tinh chiếm tới 65% các nguyên nhân gây mù. Mỗi năm cứ 100.000 người thì có thêm 88 người mắc bệnh đục thể thủy tinh . Như vậy, với dân số 96 triệu người (2019), trung bình mỗi năm nước ta có thêm 84.480 người bị bệnh.

NGUYÊN NHÂN MẮC BỆNH ĐỤC THỦY TINH THỂ

Phần lớn đục thể thủy tinh là do quá trình lão hóa tự nhiên gọi là đục thể thủy tinh tuổi già, thường gặp ở người trên 50 tuổi, tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc bệnh càng tăng.

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác gây đục thủy tinh thể bao gồm:

- Đục thể thủy tinh bẩm sinh: bệnh mắc phải ngay từ khi sinh ra hoặc những năm đầu sau sinh. Nguyên nhân do mẹ mắc các bệnh lý trong quá trình mang thai.

- Đục thể thủy tinh thứ phát sau các bệnh mắt khác như : viêm màng bồ đào, chấn thương mắt,…

- Đục thể thủy tinh do bệnh lý toàn thân như: đái tháo đường, tăng huyết áp, các bệnh rối loạn chuyển hóa,…

- Đục thể thủy tinh do tác dụng phụ của thuốc như : corticoid, thuốc hạ mỡ máu nhóm statin, thuốc chống loạn nhịp tim (amiodaron), thuốc chống trầm cảm.

- Do thường xuyên tiếp xúc với tia tử ngoại, tia X, tia hàn,…

- Nhiều nghiên cứu cho thấy những người dùng quá nhiều chất kích thích như bia rượu, thuốc lá, chế độ dinh dưỡng kém cũng có nguy cơ cao hơn bị đục thể thủy tinh.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh đục thể thủy tinh là gì?

- Nhìn mờ là triệu chứng điển hình nhất ở bệnh đục thể thủy tinh với đặc điểm nhìn mờ từ từ, tăng dần theo mức độ đục của thể thủy tinh. Thể thủy tinh càng đục, bệnh nhân càng nhìn mờ nhiều.

- Cảm giác chói mắt hay lóa mắt trong môi trường ánh sáng mạnh như khi đi ra ngoài trời nắng, nhìn đèn pha ban đêm,…

- Nhìn ngoài sáng kém hơn trong bóng râm do khi trong bóng râm, đồng tử giãn ra, ánh sáng có thể đi qua vùng chu biên ít đục hơn của thể thủy tinh để tới võng mạc.

- Ngoài ra bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng khác như : nhìn như màn sương trước mắt, nhìn vật có màu hơi vàng, nhìn đôi, thay đổi số kính đang đeo thường xuyên,…

 

Chẩn đoán bệnh đục thể thủy tinh như thế nào?

 Bệnh đục thể thủy tinh có thể được chẩn đoán dễ dàng bởi bác sĩ chuyên khoa mắt thông qua hỏi bệnh và khám lâm sàng bằng sinh hiển vi. Trong một số trường hợp đặc biệt, bệnh nhân cần tra thuốc giãn đồng tử để thăm khám toàn diện thể thủy tinh và phát hiện các bệnh lý đáy mắt đi kèm như bệnh võng mạc đái tháo đường, thoái hóa hoàng điểm tuổi già,…

Tìm hiểu thêm: Điều trị bệnh đục thủy tinh thể