BỆNH LÝ POLYP MẠCH HẮC MẠC (PCV)

BỆNH LÝ POLYP MẠCH HẮC MẠC (PCV)

Polyp mạch hắc mạc (PCV) là một bệnh lý xảy ra ở lớp mạch máu trong hắc mạc ( vùng chứa nhiều mạch máu nuôi dưỡng cho võng mạc ) gây nên tổn thương các tế bào cảm thụ của võng mạc và là nguyên nhân gây ảnh hưởng thị lực trầm trọng. 

 

Các triệu chứng 

Người bệnh thường có cảm giác nhìn mờ hoặc xuất hiện điểm mù ở trung tâm hoặc cạnh trung tâm của thị trường trên 1 hoặc 2 mắt. Triệu chứng này có thể xuất hiện đột ngột hoặc thay đổi trong ngày. Bác sĩ nhãn khoa có thể phát hiện bệnh sớm trước khi bệnh nhân có các biểu hiện kể trên. 

Nguyên nhân 

PCV là tổn thương hình dạng của các mạch máu trong hắc mạc, nhưng nguyên nhân cụ thể đến nay vẫn còn là bí ẩn 

Tuy nhiên, có vài đặc điểm sau : 

- Thường xuất hiện ở người trên 60 tuổi (có thể trẻ hơn)

- Gặp nhiều ở người châu Á, châu Phi hơn người châu Âu 

- Một vài biểu hiện giống thoái hóa hoàng điểm tuổi già . Mạch máu bất thường trong PCV gây thoát dịch và máu phía dưới võng mạc. Nó cũng có thể gây nên sẹo và làm giảm thị lực (teo võng mạc). Mặc dù PCV thường chỉ gây ảnh hưởng 1 mắt, song việc thường xuyên theo dõi mắt còn lại cũng rất quan trọng để kịp thời phát hiện

Cách xét nghiệm 

Khám nghiệm quan trọng nhất là thăm khám đáy mắt có tra giãn đồng tử. 

Chụp mạch ký huỳnh quang bằng Fluoresceine và Indocyanine green ( ICG) là xét nghiệm rất hữu ích. Nó cho phép thấy được hình ảnh cụ thể của võng mạc và lớp hắc mạc, giúp cho bác sĩ có thể xác định vùng tổn thương.

 

Chụp cắt lớp võng mạc (chụp OCT)  là phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng ánh sáng không xâm lấn, cho phép phân tích từng lớp của võng mạc, có thể thực hiện nhiều lần trong quá trình chẩn đoán, điều trị và theo dõi mà không gây ảnh hưởng đến mắt bệnh. Thế hệ máy chụp OCT mới còn có chức năng chụp mạch (OCT Angiography), cho phép thấy được hình ảnh toàn bộ hệ mạch của võng mạc cũng như mạch máu bất thường PCV mà không cần phải tiêm thuốc cản quang, hạn chế các tác dụng phụ của thuốc chụp mạch (như phản ứng thuốc, sốc…) 

Điều trị và tiên lượng 

Do tính chất của bệnh diễn biến âm thầm và toàn phát rất nhanh, nên một vài bệnh nhân có thể tổn hại thị lực không thể hồi phục ở 1 hoặc 2 mắt. Việc chẩn đoán và điều trị sớm giúp hồi phục  thị lực và dự phòng mất thị lực ở một số bệnh nhân. 

Việc điều trị PCV chủ yếu hiện nay là tiêm các chất ức chế tăng sinh tân mạch (anti VEGF) và liệu pháp quang động. 

Yếu tố tăng sinh tân mạch (VEGF) là một hoạt chất tiết ra ở cơ thể và là nguyên nhân gây ra hiện tượng thoát dịch, máu của  các mạch máu bất thường trong PCV. Tiêm anti-VEGF vào mắt giúp chặn yếu tố này, qua đó giảm dịch, máu . Việc điều trị đòi hỏi tiêm nhắc lại thuốc mỗi 4-6 tuần để duy trì nồng độ thuốc và ngăn chặn sự chảy máu. Hiện tại có nhiều thế hệ thuốc với hiệu quả và thời gian tác dụng kéo dài. 

Liệu pháp laser quang động (PDT) : hoạt chất verteporfin sẽ được đưa vào mắt qua đường tĩnh mạch, làm mắt nhạy cảm với ánh sáng, sau đó luồng laser lạnh sẽ chiếu vào vùng võng mạc tổn thương, hoạt hóa dược chất đã ngấm vào mắt và phá hủy mạch máu bất thường trong PCV

Trong những trường hợp chảy máu nhiều vào nội nhãn (xuất huyết dịch kính) phẫu thuật cắt dịch kính sẽ giúp lấy bỏ hết máu và giải phóng trục thị giác cho mắt bệnh. 

 

Tìm hiểu thêm: Xuất huyết dịch kính