TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ GLÔCÔM

TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ GLÔCÔM

Bệnh Glôcôm thường xuất hiện ở người 40 tuổi trở lên, tuổi càng cao, khả năng bị Glôcôm càng lớn. Glôcôm là bệnh lý xếp thứ 3 về khả năng gây mù loà. Nữ giới bị Glôcôm góc đóng nhiều hơn nam giới, đặc biệt ở giai đoạn mãn kinh, tỉ lệ nữ giới bị Glôcôm góc đóng cao gấp 4 lần nam giới.

Bệnh Glôcôm là gì?

Thuật ngữ bệnh “Glôcôm” (dân gian gọi là bệnh thiên đầu thống) được dùng để gọi một nhóm bệnh lý của đầu dây thần kinh thị giác, tiến triển mạn tính, biểu hiện đặt trưng bởi tổn hại thị trường, lõm teo đĩa thị và thường liên quan đến tình trạng nhãn áp cao. Đây là căn bệnh nguy hiểm, thường gây đau nhức, mất thị lực, có thể gây mù vĩnh viễn.

Theo số liệu điều tra năm 2015 tại Việt Nam cho thấy, Glôcôm là nguyên nhân thứ 3 gây mù sau đục thể thủy tinh và các bệnh đáy mắt với tỉ lệ là 4%. Tỉ lệ người mắc bệnh Glôcôm là 2,1% dân số trên 40 tuổi.

Bệnh gồm có 2 thể là glôcôm góc đóng và glôcôm góc mở. Hiện cơ chế bệnh sinh vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng nên rất khó phòng ngừa bệnh. Bệnh nhân khi đã mắc bệnh glôcôm nhất thiết phải đi khám định kỳ, được các bác sỹ nhãn khoa tư vấn, theo dõi thường xuyên nhằm hạn chế tối đa việc tổn hại về thực thể và chức năng thị giác.

Ai dễ mắc bệnh?

  • Glôcôm góc đóng:

– Bệnh thường xuất hiện ở người 40 tuổi trở lên, tuổi càng cao, khả năng bị Glôcôm càng lớn.

– Nữ giới bị Glôcôm góc đóng nhiều hơn nam giới, đặc biệt ở giai đoạn mãn kinh, tỉ lệ nữ giới bị Glôcôm góc đóng cao gấp 4 lần nam giới.

– Những người có nhãn cầu nhỏ như những người viễn thị nặng, giác mạc nhỏ, tiền phòng nông hoặc những người dễ xúc cảm, hay lo âu là cơ địa thuận lợi để xuất hiện cơn Glôcôm.

– Yếu tố gia đình cũng đóng vai trò rất quan trọng trong chẩn đoán Glôcôm góc đóng, khi trong gia đình có 1 người đã có cơn Glôcôm cấp thì những người còn lại trong gia đình có nguy cơ cao sẽ mắc Glôcôm, do vậy việc khám mắt cho những người thân của bệnh nhân Glôcôm là rất quan trọng để chẩn đoán sớm và phòng bệnh. 

  • Glôcôm góc mở:

– Glôcôm góc mở thường gặp ở người trẻ tuổi hơn glôcôm góc đóng.

– Yếu tố di truyền: những người ruột thịt của bệnh nhân Glôcôm có nguy cơ mắc bệnh 5-6 lần nhiều hơn người bình thường. 

- Các yếu tố nguy cơ khác: là tiểu đường, cao huyết áp, đục thủy tinh thể quá chín, viêm màng bồ đào, chấn thương.

- Việc sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoides kéo dài cũng có nguy cơ gây bệnh glôcôm.

Dấu hiệu của bệnh glôcôm?

Với mỗi thể bệnh, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng khác nhau:

  • Glôcôm góc đóng:

– Glôcôm góc đóng cơn cấp điển hình các triệu chứng xuất hiện đột ngột, dữ dội:

  • Mắt đau nhức đột ngột, dữ dội, đau lan lên đỉnh đầu.
  • Nhãn cầu căng cứng như hòn bi.
  • Mắt đỏ, mi nề, chảy nước mắt, sợ ánh sáng.
  • Thị lực bệnh nhân giảm nhanh thậm chí mất hẳn, nhìn mờ như qua màn sương, nhìn vào các vật phát sáng thấy có quầng xanh đỏ.
  • Những dấu hiệu toàn thân có thể có: đau bụng, nôn, buồn nôn, ỉa chảy, vã mồ hôi.... khiến người bệnh lầm t­ưởng là cảm sốt, chủ quan tự chữa trị, khi tới viện thì đã mù hoàn toàn.

Các dấu hiệu thường gặp của bệnh glôcôm góc đóng

- Glôcôm góc đóng mạn tính: bệnh nhân thường không có triệu chứng rõ ràng, có khi chỉ có cảm giác căng tức, nóng mắt, mờ mắt từng lúc, bệnh nhân không đau nhức, vì vậy đa số bệnh nhân khi đến khám thị lực đã giảm nặng hoặc mất hoàn toàn.

  • Glôcôm góc mở:

- Bệnh thường tiến triển âm thầm mạn tính, lần lượt qua từng giai đoạn, người bệnh không nhận thấy sự giảm sút thị lực, do đó thường đến khám ở giai đoạn muộn khi bệnh đã nặng. Đa số bệnh nhân không đau nhức mắt hay đau nhức đầu, một số có cảm giác nặng, căng tức mắt thoáng qua, nhìn mờ như qua màn sương, nhìn vật phát sáng thấy có quầng xanh đỏ, các biểu hiện xuất hiện thành từng cơn ngắn rồi tự hết, khiến bệnh nhân chủ quan không đi khám.

 

Hình ảnh tổn thương thị trường trong bệnh glôcôm

- Bệnh nhân glôcôm phải được khám và chẩn đoán tại các cơ sở nhãn khoa chuyên sâu, dựa trên các triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ nhãn khoa sẽ dựa trên các khám nghiệm để chẩn đoán chính xác bệnh:Chẩn đoán bệnh glôcôm như thế nào?

  • Đo thị lực của bệnh nhân
  • Đo nhãn áp
  • Đánh giá thị trường của bệnh nhân.
  • Khám trên sinh hiển vi đánh giá độ sâu tiền phòng, độ mở góc tiền phòng, soi đáy mắt đánh giá tổn thương đầu thị thần kinh.
  • Chụp OCT đánh giá chi tiết tổn thương lớp sợi thần kinh võng mạc.

Phương pháp điều trị bệnh Glôcôm:

Cho đến nay có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh glôcôm khác nhau tùy thuộc vào thể bệnh và giai đoạn bệnh.

  • Điều trị bằng thuốc:

- Điều trị bằng thuốc là chỉ định đầu tiên cho tất cả các trường hợp được chẩn đoán mắt bệnh glôcôm. Dạng thuốc thường gặp nhất là thuốc nhỏ mắt, ngoài ra còn có thể kết hợp thêm thuốc uống, tiêm tĩnh mạch. Tác dụng của cá loại thuốc này đều là giúp giảm sản xuất thủy dịch hoặc tăng quá trình đào thải thủy dịch từ đó giúp giảm nhãn áp và ngăn cản tổn thương thần kinh thị giác. 

  • Điều trị Laser:

Laser là phương pháp hiện đại giúp điều trị hiệu quả bệnh glôcôm mà không cần can thiệp phẫu thuật. Có rất nhiều phương pháp laser  đang được sử dụng trong điều trị bệnh lý glôcôm tùy theo từng thể bệnh:

- Glôcôm góc đóng: bệnh nhân được tiến hành laser cắt mống mắt chu biên, laser tạo hình chân mống mắt giúp mở rộng góc tiền phòng.

- Glôcôm góc mở: bệnh nhân được laser tạo hình vùng bè hoặc laser tạo hình vùng bè chọn lọc.

- Laser vi xung là phương pháp laser mới hiện đại, hiệu quả trong điều trị cả thể glôcôm góc đóng và góc mở, hứa hẹn trở thành lựa chọn đầu tay trong điều trị bệnh lý glôcôm.

  • Điều trị phẫu thuật:

Phẫu thuật lỗ rò kinh điển (phẫu thuật cắt bè, cắt củng mạc sâu) vẫn là phương pháp phẫu thuật có hiệu quả được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh lý glôcôm.

Một số phương pháp phẫu thuật khác được ứng dụng trong điều trị bệnh lý glôcôm tùy theo từng thể bệnh: Phẫu thuật mở góc, phẫu thuật tách dính góc tiền phòng giúp phục hồi cấu trúc giải phẫu của vùng góc, phẫu thuật đặt ống-van dẫn lưu tiền phòng giúp tạo ra đường dẫn lưu thủy dịch một cách bền chắc hơn... Ngày nay các phẫu thuật xâm lấn tối thiểu đang được ứng dụng rộng rãi trong điều trị bệnh lý glôcôm giúp tăng tính an toàn và hiệu quả cho quá trình điều trị bệnh.